Lịch sử khí tượng Bão_Chanchu_(2006)

Biểu đồ thể hiện đường đi của bão; những dấu chấm màu đại diện cho vị trí bão và cường độ của nó trong thời gian sáu tiếng.
Thang bão Saffir-Simpson
ATNĐBNĐC1C2C3C4C5

Một vùng mây đối lưu, hay những đám mây dông, đã hiện hữu trong ngày 5 tháng 5 trên khu vực cách Yap thuộc Liên bang Micronesia (FSM) về phía Đông Nam. Ban đầu hệ thống duy trì bất tổ chức khi di chuyển theo hướng Tây, dù vậy đến ngày mùng 7 đã có thể quan sát thấy một hoàn lưu rõ ràng hơn, dấu hiệu cho thấy cấu trúc đang dần tổ chức.[1] Tại thời điểm 06:00 UTC ngày 8 tháng 5, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA)[nb 2] công bố rằng một áp thấp nhiệt đới đã hình thành tại địa điểm cách Palau khoảng 175 km (110 dặm) về phía Đông Bắc.[2] Năm tiếng sau, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC)[nb 3] ban hành một Cảnh báo về sự hình thành xoáy thuận nhiệt đới, và đến thời điểm 18:00 UTC cơ quan này đã phân loại hệ thống là áp thấp nhiệt đới 02W. Tiếp theo áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây - Tây Nam do chịu ảnh hưởng từ áp cao cận nhiệt đới ở phía Bắc. Vào sáng sớm ngày 9 tháng 5, JTWC nâng cấp hệ thống lên thành bão nhiệt đới, và tại thời điểm 12:00 UTC cùng ngày JMA cũng nâng cấp áp thấp nhiệt đới lên thành bão nhiệt đới Chanchu. Cũng trong ngày hôm đó, Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) đã bắt đầu đưa ra những cảnh báo về cơn bão nhiệt đới có tên địa phương là Caloy.[1]

Ở giai đoạn phát triển ban đầu, Chanchu nằm trong một môi trường nhìn chung là thuận lợi. Cơn bão tiếp đó đổi hướng Tây - Tây Bắc do một vùng áp cao hình thành ở phía Nam.[1][4] Vào cuối ngày 10 tháng 5, JTWC nâng cấp Chanchu lên thành bão cuồng phong với sức gió duy trì một phút ước đạt 140 km/giờ (85 dặm/giờ). Trái ngược với JTWC, JMA ước tinh cường độ của cơn bão chỉ tăng lên đến ngưỡng bão nhiệt đới dữ dội với sức gió duy trì 10 phút 95 km/giờ (60 dặm/giờ).[2][5] Chanchu đã chuyển dần sang hướng Tây trước khi đổ bộ lên Samar thuộc miền Đông Philippines vào ngày 11. Bất chấp việc di chuyển trên quần đảo, Chanchu đã mạnh thêm một chút trên biển Sibuyan và cơn bão tấn công Mindoro trong ngày 12 với sức gió duy trì một phút 160 km/giờ (100 dặm/giờ) theo JTWC.[1][5] Vào ngày 13 tháng 5, Chanchu tiến vào biển Đông, và sau đó trong cùng ngày JMA đã nâng cấp nó lên thành bão cuồng phong.[2]

Khi tiến vào biển Đông, Chanchu gặp được một môi trường thuận lợi với nhiệt độ nước biển trên bề mặt ấm và độ đứt gió thấp.[6] Sau khi được cung cấp kênh dòng thổi ra thuận lợi ở phía Nam và Đông nhờ một vùng thấp lõi lạnh ở phía Đông,[7] Chanchu tăng cường mãnh liệt trong ngày 14. Tại thời điểm cơn bão hoạt động, JTWC đã nâng cấp Chanchu lên thành một siêu bão với vận tốc gió duy trì một phút tối đa 250 km/giờ (155 dặm/giờ),[1] dù vậy sau này giá trị sức gió đã được hạ xuống còn 230 km/giờ (145 dặm/giờ). Trong khi đó JMA ước tính sức gió duy trì 10 phút cao nhất đạt 175 km/giờ (110 dặm/giờ) tại thời điểm 00:00 UTC ngày 15.[5] Đài Quan sát Hồng Kông thì nhận định sức gió duy trì 10 phút của cơn bão là 185 km/giờ (115 dặm/giờ),[5] khiến Chanchu trở thành cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trên biển Đông trong tháng 5.[8]

Vào thời điểm Chanchu đạt cường độ tối đa, một rãnh thấp di chuyển về phía Đông trên đất liền Trung Quốc đã phá vỡ áp cao ở phía Bắc cơn bão,[7] khiến nó chuyển hướng sắc nét lên phía Bắc và đi vào khu vực có môi trường ít thuận lợi hơn.[1] Với dòng thổi ra suy giảm và độ đứt gió cao hơn, Chanchu bắt đầu suy yếu chậm.[9] Ban đầu mắt của cơn bão vẫn duy trì kích cỡ nhỏ, nhưng vào ngày 16 khi đối lưu ở phía Bắc suy giảm thành mắt bão phía ngoài Chanchu trở nên suy thoái.[10] Rãnh thấp mà trước đó làm suy yếu áp cao giờ dẫn Chanchu di chuyển theo hướng Bắc - Đông Bắc và buộc cơn bão thực hiện một sự chuyển đổi sang một hệ thống ngoại nhiệt đới.[11] Cuối ngày 17 tháng 5, JMA giáng cấp Chanchu xuống còn bão nhiệt đới dữ dội.[2] Vào khoảng thời gian đó cơn bão đã đổ bộ lên địa điểm gần Sán Đầu, Quảng Đông thuộc vùng Đông Nam Trung Quốc,[1] cách Hồng Kông khoảng 315 km (195 dặm) về phía Đông.[12] JTWC ước tính sức gió của cơn bão lúc đổ bộ là 130 km/giờ (85 dặm/giờ),[1] còn JMA nhận định sức gió khi đó đạt 110 km/giờ (70 dặm/giờ).[5] Sang sáng sớm ngày 18, JTWC ngừng đưa ra những thông báo về cơn bão, dù vậy JMA vẫn tiếp tục theo dõi Chanchu trên đất liền Trung Quốc. Sau đó trong cùng ngày Chanchu tiến ra biển Hoa Đông, chuyển đổi hoàn toàn thành xoáy thuận ngoại nhiệt đới vào lúc 00:00 UTC ngày 19. Những tàn dư của cơn bão tiếp tục di chuyển hướng đến Nhật Bản trước khi tan tại thời điểm 18:00 UTC cùng ngày ở ngoài khơi phía Tây Kyushu thuộc miền Nam Nhật Bản.[1][2][5]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão_Chanchu_(2006) http://cnews.canoe.ca/CNEWS/World/2006/05/13/15781... http://www.gd.chinanews.com.cn/2006/ng%C3%A0y http://www.hi.chinanews.com.cn/hnnew/ng%C3%A0y http://www.gxnews.com.cn/staticpages/20060524/newg... http://www.why.com.cn/epublish/node4/node4913/node... http://www.cma.gov.cn/cma_new/tqyb/zhyj/t20060511_... http://www.cma.gov.cn/cma_new/tqyb/zhyj/t20060515_... http://www.cma.gov.cn/cma_new/tqyb/zhyj/t20060516_... http://www.cma.gov.cn/cma_new/tqyb/zhyj/t20060518_... http://www.cma.gov.cn/cma_new/tqyb/zhyj/t20060518_...